[TẬP SAN HỌC TRÒ] - CHIẾN TRANH ĐÃ ĐI QUA, NHƯNG DƯ ÂM SẼ CÒN MÃI... - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

[TẬP SAN HỌC TRÒ] - CHIẾN TRANH ĐÃ ĐI QUA, NHƯNG DƯ ÂM SẼ CÒN MÃI...

"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

 

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Tivi chiếu hình ảnh những năm tháng hào hùng đã qua của lịch sử dân tộc Việt Nam và giai điệu bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” vang lên hào hùng, linh thiêng vô cùng. Làm sao để chúng ta có thể hiểu hết những gian khổ mà chiến tranh đã gây ra khi đang sống hạnh phúc, tận hưởng nền hòa bình, độc lập?

Lịch sử thế giới đã in đậm hình ảnh của biết bao cuộc chiến tranh, cuộc chiến nào cũng tàn khốc và không có gì bù đắp nổi. Chiến tranh ở đất nước Việt Nam cũng vậy. Những cuộc chiến đã đi qua, để lại sau đó là kinh tế suy sụp, gần 8 triệu người chết và thương tật. Hơn 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam dioxin, trong đó hơn 1 triệu người đã chết và hơn 150000 trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc đang từng ngày đau đớn.

Đâu chỉ có máu và thuốc súng, những tâm hồn rệu rã cũng là một phần hiện thực về chiến tranh với những ngày đen tối của nỗi đau và chết chóc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, lớp thanh niên Việt Nam đã lên đường, mang theo khát vọng của tuổi trẻ, hừng hực khí thế phục vụ tiền tuyến.  Nhiều người trong số họ ngã xuống nơi chiến trường, nhiều người trở về quê hương, chân lê bước trên cánh đồng, mang theo biết bao di chứng trên cơ thể và kí ức về đồng đội đã mãi mãi đi xa. Cùng với những vết thương trên da thịt và chiếc ba lô đã nhuốm màu thời gian, họ trở về vật lộn với cuộc sống hằng ngày, lo miếng cơm, manh áo.

Hơn ai hết, chính gia đình em cũng đang ngày ngày phải chống lại những di chứng do chiến tranh để lại. Bố em là một trong những chiến sĩ xung phong lên đường, tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước ngày ấy. Bố may mắn trở về, nhưng thật quái ác thay khi trong người bố lại mang chất độc do đội quân Mĩ rải xuống quê hương mình. Người anh của em được sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường, tuy rằng sức khỏe không tốt. Lên đến hai, ba tuổi căn bệnh bắt đầu có những biểu hiện rõ ràng. Thân hình bình thường ngày đó bỗng trở nên lở loét, mỗi chỗ trên cơ thể là một màu da khác nhau. Thân hình ốm yếu, gầy gò, xanh xao. Dù đã chạy chữa nhiều nơi, thay nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn không biến chuyển. Đó là điều đau xót nhất với gia đình em và cũng như bao gia đình khác trên đất nước Việt Nam.

Tuy rằng có mất mất, có đau thương, nhưng em tin một điều vẫn còn vẹn nguyên, đó chính là nghĩa tình, là kí ức về những người đồng đội một thời cùng nhau sống chết. Họ sẵn sàng hi sinh khi Tổ quốc gọi tên. Ngọn lửa nghĩa tình ấy luôn được thổi bùng trong lòng những người may mắn trở về, những người luôn nhớ thương đồng đội nằm lại nơi chiến trường.

Chúng em lớn lên khi đất nước không còn chia cắt Bắc- Nam, không biết đến bom đạn kẻ thù, chỉ còn nghe những câu chuyện của cha ông, chứng kiến những dư âm còn sót lại. Tuy vậy, em hiểu chiến tranh đã để lại những nỗi đau vô cùng to lớn cho dân tộc và cho nhân loại. Hi vọng những nỗi đau ấy sẽ được xoa dịu, được bù đắp bởi tình yêu thương, bởi:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau”

Học sinh: Nguyễn Thu Hảo

Lớp 12A1