NGUỒN GỐC BẤT NGỜ CỦA LỄ HALLOWEEN: ĐÃ TIN VÀO QUỶ SAO CÒN KHÔNG CHỊU TIN THẦN ? - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

NGUỒN GỐC BẤT NGỜ CỦA LỄ HALLOWEEN: ĐÃ TIN VÀO QUỶ SAO CÒN KHÔNG CHỊU TIN THẦN ?

Mấy năm gần đây trường học

của lũ trẻ nhà tôi cũng tổ chức lễ hội Halloween cho bọn trẻ có thêm một ngày chơi đùa tưng bừng, giải tỏa sau những giờ học căng thẳng.

Nhìn những gương mặt thiên thần ngây thơ hàng ngày vẫn véo von những câu chuyện ngây ngô, trong sáng, hôm nay lại bôi trét đen đúa, kỳ dị, bất giác tôi muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này.

Từ nguồn gốc thể hiện đức tin…

Từ Halloween hay Hallowe’en xuất hiện từ khoảng thế kỷ VII, khi Giáo hoàng Boniface IV được cho là đã lập nên ngày kỷ niệm các Thánh Hữu. “Halloween” có nghĩa là buổi tối linh thiêng hay thánh thiêng. Nó bắt nguồn từ cụm từ All Hallows’ Eve (buổi tối vọng Lễ các Chư Thánh), dành để tưởng nhớ các vị Thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu kiên trung đã qua đời. Trong tiếng Scots, từ eve chính là even (chiều tối) trong tiếng Anh, từ này cũng được viết ngắn gọn thành e’en hay een. Theo thời gian, All Hallows’ Eve dần trở thành Halloween.

Theo ý nghĩa này, Halloween là ngày để nhắc nhở người sống có đức tin và xin lòng thương xót của Chúa đối với các linh hồn.

Nhưng cũng có tài liệu cho rằng Halloween có nguồn gốc từ lễ hội cổ xưa của người Celtic ở thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, để chào mừng ngày đầu năm mới 1/11. Và vào đêm 31/10, người ta tin rằng những hồn ma của người chết sẽ trở về nhân gian tìm cơ hội nhập vào người sống. Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể mình bị các linh hồn “cướp” mất, vì thế vào tối 31/10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và giả làm ma quỷ để chúng nhầm lẫn không động tới thân xác họ.

Theo nguồn gốc này, Halloween đơn giản là lễ hội tránh tà ma.

Ở những nền văn hóa rất khác nhau, từ những vùng đất cách xa nhau trên thế giới, người ta đều có ngày lễ tương tự về những sinh mệnh vô hình. Như ở các nước Á Đông có Lễ Thất tịch, ở Nhật Bản có lễ Obon, Mexico có ngày El Dia de los Muertos, châu Phi có ngày Vũ điệu đội mũ trùm đầu Egunguns… Họ nhận thức được rằng có những điều mắt không thể thấy, tay không thể sờ nhưng hiện hữu, tồn tại khách quan và tác động được tới đời sống của con người. Nói là tác động được, bởi nếu không họ đã không thể cùng cảm nhận được sự tồn tại của thế lực siêu nhiên đó.

Nghĩa là nhân loại từ rất xa xưa, dù sinh sống ở cách xa nhau, phát triển nền văn hóa đặc thù riêng biệt không có giao lưu nhiều vì điều kiện giao thông chưa thuận tiện, thì đều có chung một nhận thức. Họ đều tin tưởng rằng sau cái chết, sinh mệnh tiếp tục một hành trình mới. Và những ngày lễ về người chết hay Halloween chỉ là một sự khẳng định rằng nhân loại đã từng tin vào sự tồn tại của những sinh mệnh ở không gian khác mà ta không thể nhìn thấy.

Người xưa coi Halloween là ngày để nhắc nhở người sống có đức tin hay đơn giản là lễ hội tránh tà ma (ảnh minh họa univision.com)

Halloween, đơn giản là một chứng tích phủ nhận thuyết vô Thần khi cho rằng chết là hết và không hề có kiếp sau.

…đến sự biến dị lệch lạc khỏi ý nghĩa ban đầu

Dù theo nguồn gốc nào thì ý nghĩa của lễ hội Halloween đều là hướng tới đức tin tốt đẹp, xua đuổi những điều xấu, chứ không phải để con người biến mình thành ma quỷ. Ngày nay, người ta hóa trang không phải để tránh tà ma mà là hóa trang sao cho càng giống ma càng tốt để được buông tuồng một ngày trong năm, cho không còn ra dáng hình người nữa. Từ diện mạo, hành động, lời nói, thậm chí cả ý nghĩ cũng nương theo ma quỷ khi cố tình dọa nạt người khác để kiếm những tràng cười ác độc.

Thật ra một trong những ý nghĩa của ngày Halloween lại chính là khuyên con người tránh xa ma quỷ.

Có một truyền thuyết về ngày Halloween mà người Ireland mang theo khi tiến vào đất Mỹ, kể về một anh chàng tên Jack. Sau khi chết, linh hồn của Jack không được phép vào Thiên đường vì lúc sống anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn. Nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa ngục vì lúc còn sống đã từng chơi đùa với ma quỷ và giúp nó thoát trấn yểm của các tu sĩ, nên quỷ hứa sẽ không bắt hồn anh ta.

Do đó, hồn Jack bị Thiên đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa ngục, nhưng quỷ không cho vào… vì lời hứa lúc trước. Từ đó, Jack phải khổ sở, lang thang trên mặt đất cho tới ngày phán xét cuối cùng của nhân loại. Thứ duy nhất anh ta có là ngọn than hồng trong quả bí ngô mà quỷ tặng để sưởi ấm.

Từ đó có thể thấy, bài học mà người xưa muốn nhắn nhủ con người là đừng bao giờ chơi đùa hay liên minh với ma quỷ. Bởi dù nó không thất hứa và tử tế với bạn, những sinh mệnh ở những thế giới khác biệt là không thể song hành.

Và một nghĩa bóng của việc chơi với ma quỷ chính là những ý nghĩ và hành động làm tổn hại người khác. Như những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái mà bạn nghĩ là mình lanh lợi hơn người có khi sẽ làm hại đến người khác, đến cộng đồng. Đồng thời, khi giả dạng, giao du với những thứ bất hảo, bạn sẽ dễ đi vào con đường tăm tối và tội lỗi. Với ý nghĩa đó, thì con người ngày nay đang đi ngược lại với lời nhắn nhủ của cổ nhân khi xưa.

Việc giả quỷ, giả ma với những bộ đồ biến dị tới mức sexy (quyến rũ về mặt giới tính), hành động buông tuồng nhậu nhẹt, nhảy nhót quay cuồng, gáo thét hú khóc của nhiều người ngày nay đã làm lệch lạc ý nghĩa của ngày Halloween. Hay những biểu tượng kinh dị, những nghi thức biến thể như gọi hồn người chết, thực hành các nghi lễ hắc ám đã hoàn toàn thay đổi so với việc tưởng nhớ các Thánh Hữu hay xua đuổi tà ma.

Với sự biến dị đó, Halloween ngày nay còn mâu thuẫn với giáo lý trong Kinh Thánh. Trong đó có cảnh báo rằng “Không bao giờ có ai trong số các bạn được làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn.” (Đệ nhị luật, 18:10, 11). Nên nhiều Ki Tô hữu không ăn mừng ngày này.

Đối với người phương Đông, cũng có giáo lý Phật gia giảng rằng: “Nhân tâm câu đích quỷ thượng môn”, ý tứ là nhân tâm bất chính kích thích quỷ đến cửa. Bởi vì ma quỷ mang theo những thứ không tốt, nếu ăn mặc và hành xử giống chúng thì có lẽ cũng chiêu mời những thứ không tốt của chúng.

Giáo lý là vậy, còn thực tế cũng chứng minh điều tương tự.

Dù theo nguồn gốc nào thì ý nghĩa của Lễ Hội Halloween đều là hướng tới đức tin tốt đẹp,chứ không phải để biến mình thành ma quỷ ( ảnh minh họa zing.vn)

Tác động tiêu cực tới tinh thần

Theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ, có gần 25% số người trải qua tình trạng rối loạn lo âu trong suốt cuộc đời và khoảng 8% số người phải chịu đựng chứng rối loạn căng thẳng sau khi tham gia những màn dọa ma kinh hoàng trong lễ hội Halloween. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Vanderbit đã chứng minh con người có phản ứng hóa học trước những tình huống rợn tóc gáy.

Vậy nên, khi nhìn toàn những hình ảnh ghê rợn trong các bộ đồ hóa trang ma quỷ, thậm chí giả làm những hành động cho giống ma quỷ, có lẽ cơ thể bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, chỉ là bạn có nhận ra được phản ứng hay không mà thôi.

Thí nghiệm của tiến sĩ Masaru Emoto với các tinh thể nước sẽ cho bạn một góc nhìn thú vị không kém. Theo đó, nước có một đặc tính là phản chiếu. Nước phản chiếu không chỉ hình ảnh mà cả “năng lượng” tích cực hay tiêu cực mà vật thể mang hoặc đại diện. Ví như những tinh thể nước được “nhìn” chữ “tình yêu” sẽ cho ra kết cấu cân đối và đẹp mắt hơn rất nhiều so với tinh thể “nhìn” chữ “căm thù”. Cơ thể chúng ta có tới 80% là nước, chắc hẳn cơ thể sẽ có phản ứng nhất định với những hình ảnh ma quái xấu xí mà ta nhìn thấy trong ngày lễ Halloween u tối vào đêm cuối thu lạnh lẽo.

Đã tin vào quỷ, sao không tin vào Thần? Đã tin Thần, sao còn muốn giống quỷ?

Thế giới luôn tồn tại những cặp đối lập, sinh mệnh cũng có thiện ác, tốt xấu. Người xưa tin vào sự tồn tại của ma quỷ, cũng tin vào sự tồn tại của Thần, nhưng thái độ đối đãi là khác nhau.

Luồng tư tưởng chủ đạo của nhân loại ngàn đời vẫn luôn là hướng Thiện, đó là cách duy nhất để níu giữ đạo đức con người, cũng là cách duy nhất để nhân loại tồn tại được cho tới ngày nay mà chưa đi tới sự tự hủy diệt. Thế nên đời nào, người ta cũng ca ngợi Thần, ca ngợi cái đẹp, cái thiện lương, khuyên nhủ nhau tránh xa cái xấu xí, tăm tối. Chỉ là cho đến thời hiện đại, năng lực phân biệt cái đẹp và cái xấu đã ngày càng hạn chế bởi những thứ văn hóa biến dị.

Nuôi dưỡng tâm hồn bạn bằng những hình ảnh, âm thanh, tư tưởng và suy nghĩ thuần chính là cách duy nhất giúp bạn có năng lực nhận thức và phân biệt được cái gì tốt cho cả tâm lẫn thân của mình.

Nuôi dưỡng tâm hồn bằng những hình ảnh, âm thanh và suy nghĩ thuần chính là cách duy nhất giúp chúng ta có thể nhận thức và phân biệt được cái gì tốt cho cả tâm lẫn thân của mình. (ảnh Wikipedia.org)

Như khi chúng ta đọc tác phẩm có nội hàm văn hóa truyền thống là tinh hoa bao đời, từ câu từ, nội dung trong câu chuyện chẳng phải truyền được cho ta cảm hứng để sống tốt hơn, tử tế hơn hay sao? Khi xem những bộ phim, bản nhạc, bức tranh chứa đựng nhiều năng lượng tích cực và thuần hậu, ta đều lưu giữ được những dư âm đẹp đẽ và thúc đẩy ta làm đẹp thêm cho đời, cho người, hay ít nhất cũng làm tâm hồn ta được yên bình hơn hay sao? 

Chả thế mà kẻ đã trót yêu cái đẹp khó mà chấp nhận được cái xấu. Người đã tin vào Thần chẳng muốn hóa thân làm quỷ. Bởi khi đã có chính tâm, sao có thể không chính hành. Tốt xấu khác nhau từ một niệm, Thiên đường Địa ngục cách nhau cũng chỉ bằng một ý nghĩ. Muốn hướng tới điều tốt đẹp, bạn chẳng thể bắt chước những cái đen tối, âm u.

Thuần Phong

Nguồn: https://www.dkn.tv/goc-nhin-dkn/nguon-goc-bat-ngo-cua-le-halloween-da-tin-vao-quy-sao-con-khong-chiu-tin-than.html