Nguồn gốc và ý nghĩa của tục cúng ông Công ông Táo - Trường THPT Bắc Hà - Đống Đa

Nguồn gốc và ý nghĩa của tục cúng ông Công ông Táo

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công,

Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa  sự tích hai ông, một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà và vị thần Bếp núc. Các vị thần Táo là cánh tay phải đắc lực của Ngọc Hoàng, giúp bề trên theo sát cuộc sống của chúng sinh.

Ông Táo (Táo Quân hay Thổ Công)  quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt, xấu của mọi người, đồng thời là vị thần quyết định sự may mắn, rủi, phúc, họa của cả gia chủ. Bên cạnh đó, ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ và là hình thức bày tỏ long kính trọng, biết ơn của người dân vì sự vất vả của các Táo trong suốt 1 năm.

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời. Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Thời điểm tốt nhất để làm lễ cúng là vào tối ngày 22 tháng chạp hoặc sáng sớm ngày 23 tháng chạp âm lịch.

Lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba chiếc (hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà) màu sắc sặc sỡ, ba bộ mũ áo, hia hài Táo quân cùng tiền vàng. Hương, đèn, nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi.

Ở miền Bắc, người ta  còn cúng thêm một con Cá chép sống được thả trong chậu nước với ngụ ý “cá chép hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được phóng sinh sau khi cúng.  Cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ để tiễn Táo Quân. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn khi thay bằng đôi hia.

 Nguồn: Sưu tầm